Nhằm đánh giá kết quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học từ trước tới nay và phổ biến các chủ trương của Bộ về kiểm định chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới, ngày 25-12 Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Hội nghị được tổ chức qua cầu truyền hình với 5 điểm: ĐH Kiến trúc TP.HCM do Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long chủ trì, bao gồm các đơn vị đóng trên địa bàn 18 tỉnh, thành (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 26 tỉnh thành từ Thanh Hóa trở ra; Trường ĐH Vinh (Nghệ An) gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; Trường ĐH Đà Nẵng gồm 5 tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; Trường ĐH Cần Thơ gồm 11 tỉnh, thành: Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Hai vấn đề được quan tâm nhất là việc các trường đại học, cao đẳng chuyển hướng đào tạo theo hệ thống tín chỉ và các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài hiện đang được thí điểm.

Việc chuyển đổi tổ chức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ là bước đi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.


 

Toàn cảnh Hội nghị

“Việc triển khai 23 chương trình tiên tiến của các trường đại học quốc tế tại 17 trường đại học trong nước về cơ bản đã đảm bảo các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, chương trình còn gặp muôn vàn khó khăn. Cụ thể là trình độ tiếng Anh của giảng viên và sinh viên còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy. Ít sinh viên theo học, không đủ kinh phí khi mời giảng viên ngoại...” - bà Trần Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, nhận định.

TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc TT Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (KT-KĐCL) của ĐH Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh, cần phải có lộ trình chứ không đốt cháy giai đoạn như hiện nay. Với thực trạng hiện nay, các trường ĐH VN nên đánh giá chất lượng theo ngành đạo tạo rồi mới thực hiện bước cao hơn là đánh giá cấp trường. Trong khi đó, chúng ta đang tiến hành theo quy trình ngược lại.

Trao đổi với PV báo SGGP, TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục KT-KĐCL (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: cả nước hiện có trên 400 trường ĐH-CĐ nên một mình cục không thể kiểm định hết. Vì thế, việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng hoạt động một cách độc lập là rất cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu đội ngũ kiểm định viên và các chuyên gia để tiến hành công tác này. Sắp tới các trường phải tự bỏ tiền ra để thuê các tổ chức, chuyên gia đánh giá ngoài. Nhưng điều quan ngại là kết quả mà các tổ chức kiểm định độc lập công bố có đảm bảo tính khách quan hay không.

Thống kê của Cục KT - KĐCL cho thấy, hiện cả nước có 351 trường ĐH, CĐ đang triển khai công tác tự đánh giá chất lượng. Trong đó, 20 trường ĐH, 1 chương trình giáo dục ngành giáo dục tiểu học trình độ CĐ (4 trường CĐ sư phạm) đã hoàn thành đánh giá ngoài; 27 trường ĐH, 16 CĐ khác đã có báo cáo tự đánh giá và chuẩn bị đánh giá ngoài. Đến 2010, có ít nhất khoảng 80% số trường ĐH, 50% trường CĐ được đánh giá ngoài.

 

Chủ trì Hội nghị Điểm cầu Trường ĐH Vinh (Nghệ An)
gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình