Tính
đến tháng 8/2023,Trường Đại học Vinh đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất
lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) và có 25 chương trình đào tạo (CTĐT) được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 02 CTĐT được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA. Sau khi thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài CSGD và CTĐT, Trường Đại học Vinh đã tiến hành cải tiến và
nâng cao chất lượng tất cả các hoạt động của Nhà trường. Trường
đại học Vinh xác định CTĐT là yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng CTĐT đã trở
thành ‶văn hóa chất lượng″ của Nhà trường. Năm
2017, Trường Đại học Vinh đã xây dựng CTĐT theo mô hình CDIO, đến năm 2022, Nhà
trường đã điều chỉnh tầm nhìn trở thành đại học thông minh, hướng tới các chuẩn
mực quốc tế cho tất cả các ngành đào tạo, điều này dẫn đến yêu cầu phải xây
dựng các quy định về đảm bảo chất lượng các CTĐT đáp ứng các tiêu chuẩn quốc
gia và một số tiêu chuẩn quốc tế theo lộ trình hội nhập.
Trước những yêu cầu thực tiễn này, Trường Đại học Vinh đã
triển khai xây dựng bộ tiêu chuẩn về ‶Bảo chất lượng các chương trình đào tạo″ phiên bản 1.0 (gọi tắt là Bộ
chuẩn VU-PQA 1.0). Bộ chuẩn VU PQA 1.0 của Trường Đại học Vinh được xây dựng dựa trên Bộ chuẩn kiểm định
chất lượng CTĐT của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á, phiên bản 4.0 ban
hành năm 2020 (viết tắt là AUN-QA 4.0); bộ chuẩn CDIO phiên bản 3.0 ban hành
năm 2022 (viết tắt là CDIO 3.0); bộ chuẩn kiểm định CTĐT của Việt Nam; mô hình
tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra được phát triển
bởi Trường Đại học Vinh. Cấu trúc của Bộ chuẩn VU PQA 1.0 được xây dựng tương đồng với cấu trúc Bộ chuẩn
AUN-QA 4.0, bao gồm theo 8 tiêu chuẩn (53 tiêu chí).
Cùng với việc
đáp ứng các yêu cầu theo Bộ chuẩn AUN-QA4.0 và CDIO 3.0, Bộ chuẩn VU PQA 1.0 còn tích hợp mô hình dạy học đảo ngược
(Flipped learning) và dạy học hỗn hợp (Blended learning). Đồng thời, việc thiết
kế chương trình dạy học được áp dụng theo mô hình tương thích kiến tạo - CAM
(Constructive Alignment Model) và mô hình đánh giá kết quả học tập theo chuẩn
đầu ra.
Để hiện thực
hóa Tầm nhìn và Sứ mạng của Nhà trường, Bộ chuẩn VU.PQA 1.0 đặt ra mục tiêu chung là phát triển tất cả CTĐT của Nhà trường đạt
yêu cầu tối thiểu cả 53 tiêu chí (tương ứng với điểm 4/7 theo thang đo của
bộ chuẩn AUN-QU 4.0); một số tiêu chí đạt kết quả xuất sắc (tương ứng
với điểm 5/7 theo thang đo của bộ chuẩn AUN-QA 4.0.
Ngoài những
kết quả trình bày về phương pháp xây dựng và phát triển chương trình dạy học
theo mô hình tương thích kiến tạo, một trong những điểm mới của Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 là phương pháp đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra của học
phần một cách định lượng từ đó tổng hợp lên mức độ đạt được chuẩn đầu ra chương
trình đào tạo.
Bộ chuẩn VU PQA 1.0 được cấu trúc thành 2 phần: Phần 1 trình bày
nội dung của Bộ chuẩn VU PQA 1.0; Phần 2 trình bày các phụ lục, biểu mẫu phục
vụ cho quá trình triển khai theo quy trình quản lý chất lượng. Bộ chuẩn được
biên soạn cho các giảng viên, chuyên viên, người học và các đơn vị trong toàn
trường thực hiện. Cuối từng tiêu chí là bảng các minh chứng cần đạt cho tiêu
chí, trong đó nêu các minh chứng cụ thể, yêu cầu của minh chứng, thời gian hoàn
thành và phân nhiệm cho từng cá nhân hoặc đơn vị chủ trì thực hiện.
Việc đáp ứng đồng
thời yêu của các bộ chuẩn trong nước và quốc tế, cộng với tích hợp các mô hình
tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá hiện đại, Bộ chuẩn này không chỉ tạo định
hướng cho hạt động dạy học hiệu quả mà còn giải quyết “điểm nghẽn” về phát triển
CTĐT theo chu trình cải tiến chất lượng P-D-C-A.
Từ khi bắt đầu xây dựng Bộ chuẩn VU-PQA 1.0 đến nay, Ban Giám hiệu Nhà trường và Ban xây dựng đã trải qua gần hai
năm nghiên cứu tập trung, tổ chức rất nhiều các buổi thảo luận, các buổi
seminar, chấm thử nghiệm theo mô hình đánh giá theo chuẩn đầu ra, tập huấn và lấy ý kiến của các Đoàn chuyên gia Đánh giá ngoài, của nhà
sử dụng lao động, toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường. Điều
này đã thể hiện sức mạnh của trí tuệ tập thể, sự thống nhất đồng lòng của Đảng
ủy, Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên và nhân viên của Nhà trường trong việc
nâng cao chất lượng và phấn đấu đưa Trường Đại học Vinh đạt được tầm nhìn, sứ
mạng đã được tuyên bố. Bộ chuẩn được ban hành đúng vào ngày khai giảng khóa đào
tạo thứ 64 của Nhà trường với mong muốn đánh một dấu mốc quan trọng trong giai
đoạn phát triển tiếp theo, tạo ra một luồng không khí mới cho cán bộ và sinh
viên của Nhà trường khi bước vào năm học mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy
và học, cải tiến CTĐT để đạt được chuẩn đầu ra của người học.
Một số hình ảnh từ khi bắt đầu đến
khi ban hành của Bộ chuẩn:
Họp ban soạn thảo
Trao
đổi, thảo luận các nội dung của Bộ chuẩn
Hội nghị tập huấn lấy ý kiến về Bộ chuẩn tháng 3/2023
Ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội nghị tập huấn lấy ý kiến về Bộ chuẩn tháng 3/2023
Hội nghị tập huấn lấy ý kiến về Bộ chuẩn tháng 9/2023
Ý kiến phát biểu tại Hội nghị tập huấn lấy ý kiến về Bộ chuẩn tháng 9/2023